Hội An sở hữu vẻ đẹp thanh bình, lãng mạn và cổ kính “có một không hai” khiến du khách say lòng. Không chỉ là nơi in dấu lịch sử của cảng thị hưng thịnh một thời. Đây còn là điểm đến hấp dẫn với hệ thống những ngôi nhà tường vàng, mái ngói cổ kính, rêu phong… Trong đó, nhà cổ Đức An là một trong số ít những ngôi nhà lưu giữ vẹn nguyên kiến trúc xưa, cho phép khách du lịch vào tham quan. Hãy cùng Dulichsontra.com khám phá tất tần tật nhà cổ này trong bài viết dưới đây!
Giới thiệu chung về nhà cổ Đức An
Để tìm hiểu về lịch sử Hội An cùng những biến thiên của thời cuộc, khám phá những ngôi nhà cổ nơi đây chính là một gợi ý lý tưởng dành cho bạn. Trong đó, nhà cổ Đức An – Một trong số ít những ngôi nhà còn lưu giữ vẹn nguyên kiến trúc độc đáo và mở cửa đón khách vào thăm là địa chỉ không thể bỏ qua.
Không chỉ gìn giữ được trọn vẹn kiến trúc tổng thể của ngôi nhà, mà ngay cả nội thất và những vật dụng nhỏ bé trong nhà như các bức tranh treo tường, chiếc bút, nghiên mực, bàn ghế, tủ sách… đều được chủ nhà nâng niu, gìn giữ một cách cẩn thận.
Nhờ đó, khi ghé thăm ngôi nhà cổ này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn và có cái nhìn chân thực hơn về nếp sống, văn hóa của người xưa.
Nhà cổ này có tên gọi là Đức An – Nghĩa là “giữ gìn đạo đức để được bình an”. Ngoài ra, “Đức An” cũng là tên hiệu sách của gia tộc họ Phan vào cuối thế kỷ XIX. Sang thế kỷ XX, nhà cổ này trở thành địa điểm gặp gỡ, họp bàn của các nhà cách mạng yêu nước lúc bấy giờ.
Nhà cổ Đức An có tuổi đời gần 200 năm. Đến nay, đã có 6 thế hệ sinh sống tại ngôi nhà này. Mỗi năm, nhà cổ lại được trùng tu để chống xuống cấp, gìn giữ nét đẹp cổ kính đi cùng năm tháng.
Định vị tọa độ nhà cổ Đức An
– Địa chỉ, giờ mở cửa của nhà cổ Đức An
- Địa chỉ: số 129 đường Trần Phú, nằm ở vị trí trung tâm của phố cổ, thuộc địa phận thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
- Nhà cổ mở cửa đón khách từ 8 giờ sáng đến 21 giờ hằng ngày, từ thứ 2 đến Chủ nhật.
Đường đi đến nhà cổ Đức An
Đức An- ngôi nhà cổ nằm ở ngay trung tâm phố Hội nên du khách dễ dàng tìm đường đến địa điểm này. Bạn có thể tìm trên Googlemaps hoặc hỏi đường người dân địa phương.
Để di chuyển đến ngôi nhà cổ này từ trung tâm, Dulichsontra.com gợi ý du khách nên chọn dạo bộ, thuê xe đạp hoặc đi xích lô. Điều này sẽ giúp bạn vừa có thể ngắm cảnh, kết hợp dừng chân tại các địa điểm tham quan khác trên đường đi.
- Giá xích lô: Khoảng 150.000 đồng/giờ/xe.
- Giá thuê xe đạp: Khoảng 40.000 đồng/chiếc/ngày.
Thời điểm lý tưởng để tham quan nhà cổ Đức An
Thời tiết ở Hội An trong năm thường phân chia thành 2 mùa tương đối rõ rệt.
+ Mùa mưa: Từ tháng 10 – tháng 2 năm sau. Đây là khoảng thời gian Hội An có thể có mưa bão, trời khá lạnh. Hội An mùa mưa vẫn mang nét đẹp riêng, trầm mặc, cổ kính. Nhưng nếu muốn đi tham quan, vui chơi thì những cơn mưa và gió lạnh có thể khiến hành trình đến các địa điểm du lịch ngoài trời của bạn bị ảnh hưởng.
+ Mùa khô: Kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9. Lúc này thời tiết rất dễ chịu, trời xanh, mây trắng, nắng vàng, siêu “hợp lý” để các tín đồ “sống ảo” có những thước hình check-in lung linh. Chưa kể việc di chuyển, dạo chơi giữa các địa điểm tham quan cũng cực kỳ thuận tiện.
>>> Gợi ý: Đình Cẩm Phô | Ngôi đình cổ nổi tiếng bậc nhất Hội An
Nhà cổ Đức An với giá trị lịch sử gần 200 năm
Chỉ cần dành thời gian dạo chơi, tham quan ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 200 năm này khi tới du lịch Hội An tự túc. Những ai yêu thích lịch sử, văn hóa dân tộc chắc chắn sẽ được thỏa mãn khi mang về cho mình rất nhiều điều bổ ích.
+ Nhà cổ Đức An thành hiệu sách Đức An ở thế kỷ XIX
Đến nhà cổ, bạn sẽ không khỏi bất ngờ khi được biết rằng ngôi nhà này đã tồn tại gần 200 năm. Nhà cổ được xây dựng từ năm 1803, thời vua Minh Mạng – Triều Nguyễn.
Ngôi nhà lấy tên “Đức An”, chứa đựng ý nghĩa: “Giữ gìn đạo đức để được bình an”. Ngôi nhà do cụ tổ họ Phan để lại cho con cháu làm từ đường thờ cúng. Cho tới nay, có 8 đời sinh ra và lớn lên ở đây.
Cuối thế kỷ XIX, Đức An được cụ tổ đời thứ 3 lập thành hiệu sách – Đây là hiệu sách độc nhất, chuyên bán sách Hán Nôm và văn phòng phẩm của tỉnh Quảng Nam.
Trong thời gian này, các nhà yêu nước kháng Pháp như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… thường lui tới hiệu sách Đức An để tìm đọc sách, báo truyền bá tư tưởng yêu nước tiến bộ. Nhà sách Đức An trở thành nơi phổ biến thơ văn, sách báo truyền bá chủ nghĩa yêu nước.
+ Hiệu thuốc Bắc Đức An
Đến năm 1908, phong trào chống thuế diễn ra tại Quảng Nam và các tỉnh miền Trung thất bại. Triều đình Huế bị khủng bố, các nhà lãnh đạo bị đày ra Côn Đảo. Nhà sách Đức An lúc bấy giờ dừng hoạt động, chuyển thành hiệu thuốc chuyên kinh doanh thuốc bắc.
+ Địa chỉ đỏ Cách mạng – Nơi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hội An
Không chỉ là nơi mà tầng lớp trí thức, nhà yêu nước thường hay lui tới, đọc sách trước đây, nhà cổ Đức An còn là địa chỉ đỏ Cách mạng của Quảng Nam.
Tháng 10/1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Hội An được thành lập tại đây. Sau sự kiện này, phong trào cách mạng ở Hội An từng bước lớn mạnh. Năm 1930, đây trở thành địa điểm rải truyền đơn, họp bàn thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Quảng Nam.
+ Nơi sinh của chiến sỹ Cách mạng Cao Hồng Lãnh
Không chỉ là một địa chỉ Cách mạng, nhà cổ Đức An chính là nơi nhà yêu nước Cao Hồng Lãnh (Tên thật: Phan Hải Thâm) ra đời. Ông sinh năm 1906, là người chủ trì cuộc họp thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Hội An tháng 10 năm 1927.
Cao Hồng Lãnh là niềm tự hào của gia tộc họ Phan ở Hội An – Một nhà Cách mạng kiên trung, từng giữ nhiều chức vụ trong Đảng và Nhà nước.
Đến nhà cổ Đức An, du khách sẽ có những trải nghiệm gì?
Bạn cho rằng đi du lịch thì phải đến những nơi nhộn nhịp, đông vui, nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn? Hay còn băn khoăn liệu tham quan một ngôi nhà cổ thì có gì thú vị?
1. Khám phá nét kiến trúc độc đáo của nhà cổ Đức An
Vừa tìm hiểu lịch sử, đến đây, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, kiến trúc độc đáo được lưu giữ vẹn nguyên qua gần 200 năm của ngôi nhà cổ này.
Dù đã trải qua vài lần trùng tu và tác động của thời gian nhưng nhà cổ Đức An vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị mà ông cha để lại.
Nhà cổ Đức An có cấu trúc hình ống, mặt tiền rộng 7m, dài 40m. Nặt tiền hướng ra đường Trần Phú. Trước nhà có bố cục đăng đối với cửa đi ở giữa, lối vào có tấm biển đề 3 chữ “Phan Tông Đường” (Từ đường dòng họ Phan). Hai bên là hai cửa sổ, phía trên cửa đi có hai mắt – Nét đặc trưng của nhà cổ Hội An.
Đi qua gian ngoài được dùng để buôn bán là gian kế tiếp được sử dụng như một phòng khách, và là nơi thờ tự. Ngôi nhà có hệ khung bằng gỗ là theo lối nhà rường ở miền Trung. Mái lợp ngói âm dương, bao quanh là tường gạch.
Sở dĩ có kiểu xây dựng độc đáo này là vì ngày xưa trong chế độ phong kiến dân thường không được xây nhà cao tầng, có lầu, nhà phải thấp hơn kiệu quan.
2. Check-in ở không gian cổ kính bậc nhất Hội An
Như đã chia sẻ ở trên, nhà cổ Đức An còn lưu giữ vẹn nguyên vẻ đẹp của kiến trúc cổ qua suốt 200 năm biến thiên của thời cuộc. Nối giữa những lớp nhà là nhà cầu kế bên sân trời. Các không gian không có cửa ngăn cách tạo nên sự thoáng đãng, ấn tượng mạnh trong thị giác, giải quyết tốt vấn đề thông gió và chiếu sáng.
Do đó sẽ cực kỳ uổng phí nếu bạn không tranh thủ chụp ảnh, ghi dấu khoảnh khắc được đặt chân đến nơi đây. Trang phục thích hợp để check-in nhà cổ chính là áo dài, hay những bộ trang phục theo style vintage, cổ điển.
Kết hợp khám phá các nhà cổ nổi tiếng khác ngoài nhà cổ Đức An
Ngoài nhà cổ Đức An, phố Hội còn nổi tiếng với rất nhiều ngôi nhà cổ khác có giá trị văn hóa và lịch sử cao. Đây không chỉ là những điểm đến thu hút du khách mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa, kiến trúc của cảng thị một thời. Hãy cùng Dulichsontra.com khám phá những ngôi nhà cổ khác ở Hội An.
Nhà cổ Phùng Hưng
- Địa chỉ: Số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.
Nhà cổ Phùng Hưng tồn tại đã hơn 100 năm. Trước đây, các thương nhân và khách hàng thường đến nhà cổ Phùng Hưng để mua bán các mặt hàng tơ lụa, thủy hải sản…
Đây là một ngôi nhà ống 2 tầng, cửa trước thông với cửa sau – Nét kiến trúc đặc trưng của nhà cổ Hội An, pha trộn với tinh hoa kiến trúc Trung Hoa và Nhật Bản.
Nhà cổ Tấn Ký
- Địa chỉ: Số 101 đường Nguyễn Thái Học, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.
Nhà cổ Tấn Ký là một trong số ít ngôi nhà tồn tại hơn 2 thế kỷ ở phố Hội – Cùng với nhà cổ Đức An Nhà. Ngôi nhà làm hoàn toàn bằng gỗ, có hai mặt đều giáp với phố, ở giữa là khoảng sân rộng rãi, mát mẻ.
Nơi đây từng đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao đến tham quan. Tấn Ký là ngôi nhà cổ đầu tiên ở phố Hội được công nhận là di sản cấp quốc gia.
Nhà cổ Quân Thắng
- Địa chỉ: Số 77 đường Trần Phú, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.
Nhà cổ Quân Thắng đứng sừng sững ở phố Hội đã hơn 150 năm. Nhà được xây hoàn toàn bằng gỗ, theo lối kiến trúc Trung Hoa, trang trí nhiều tranh ảnh, đồ gốm Trung Hoa.
Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên
- Địa chỉ: Số 80 đường Nguyễn Thái Học, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.
Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên được xây từ thế kỷ XIX, nhà có 2 tầng, được ví như một bảo tàng đồ cổ vì mọi vật dụng bên trong đều có giá trị văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, ngôi nhà cổ này có sự hài hoà giữa tinh hoa kiến trúc của Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa.
Nhà cổ Thái Phiên
- Địa chỉ: Số 104 đường Thái Phiên, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.
Đây là một trong những ngôi nhà cổ kính nhất ở Hội An, có tuổi đời hơn 250 năm. Không chỉ là địa điểm du lịch hấp dẫn, nhà cổ Thái Phiên còn bày bán nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuyệt đẹp. Du khách đến đây có thể kết hợp mua một vài món đồ thủ công hay những chiếc đèn lồng về làm quà.
Để có thể khám phá được hết các địa điểm và trải nghiệm thêm nhiều điều hấp dẫn, thú vị ở Hội An, du khách có thể tham khảo các tour Hội An 1 ngày để có chuyến đi trọn vẹn, thoải mái nhất nhé!
Đặc sản du khách sẽ có cơ hội thưởng thức khi đi nhà cổ Đức An
Nếu có dịp đến với phố cổ, một trải nghiệm cực thú vị mà Dulichsontra.com tin rằng bất kỳ du khách nào cũng rất hào hứng chính là dạo chơi trên những con đường, chiêm ngưỡng vẻ đẹp khu phố cổ yên bình và thưởng thức những món ăn ngon.
+ Bánh mỳ Hội An
Món ăn nổi tiếng đầu tiên mà bạn không thể bỏ lỡ chính là bánh mỳ Hội An. Không phải ngẫu nhiên mà bánh mỳ ở đây được mệnh danh là “bánh mỳ ngon nhất thế giới” – Món ăn đường phố nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam.
Là món ăn phổ biến, dân dã nhưng bánh mỳ Hội An vẫn thể hiện được sự tinh tế của ẩm thực Việt Nam. Trong một ổ bánh thơm ngon, nóng hổi là tổng hòa hương vị của bánh mỳ giòn thơm, thịt, chả, trứng, patê béo ngậy, ớt, rau thơm… Hòa quyện với các “topping” này nước sốt béo ngậy làm theo công thức đặc biệt.
+ Cao lầu Hội An
Một trong số các đặc sản nổi tiếng Hội An hàng trăm năm qua là cao lầu – Món ăn có nguồn gốc từ Trung Hoa. Món này này xuất hiện từ thế kỷ XVII, khi người Hoa đến Hội An giao thương, sinh sống.
Sợi cao lầu được làm từ gạo, có màu nâu hoặc vàng nhạt. Cao lầu có nhiều “topping” để thưởng thức như thịt heo, trứng… Món cao lầu ăn kèm với nước dùng và bánh đa cùng hơn 10 loại rau thơm, quế, khế, dưa leo, bắp chuối, diếp cá, xà lách, giá, ngò…
+ Mỳ Quảng
Mì Quảng là một món ăn hết sức quen thuộc, đã làm nên thương hiệu của ẩm thực Đà Nẵng – Quảng Nam. Có nhiều “version” mỳ Quảng như: Mỳ tôm thịt trứng, mỳ Quảng gà, mỳ Quảng ếch, mỳ Quảng cá lóc, mỳ cua, mỳ bò, mỳ Quảng sứa… cực đa dạng cho du khách lựa chọn.
+ Chè Hội An
Đi khắp Hội An, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp vô số gánh chè, quán chè lớn nhỏ. Chè Hội An rất đa dạng, từ chè bắp, chè đậu các loại, đến xoa xoa, tào phớ… Chè Hội An có giá cả siêu bình dân, hương vị ngọt thanh, ăn hoài không chán!
>>> Tham khảo: Top 24 đặc sản Hội An nhất định phải thử một lần trong đời
Khi tham quan nhà cổ Đức An cần lưu ý gì?
Với những giá trị về văn hóa và lịch sử mang lại, nhà cổ Đức An chắc chắn là địa điểm du khách không nên bỏ lỡ khi đến phố Hội. Dulichsontra.com sẽ chia sẻ một vài lưu ý dành cho du khách khi đến tham quan những ngôi nhà cổ tại Hội An.
Hãy mặc trang phục lịch sự, gọn gàng khi đến đây. Bởi nhà cổ là địa điểm du lịch khá trang nghiêm, mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa.
Du khách có thể chuyện trò, cười đùa lớn tiếng ở nơi công cộng, nhưng khi vào tham quan nhà cổ, hãy lưu ý đừng nói chuyện quá lớn, gây mất trật tự.
Không chen lấn, xô đẩy, khạc nhổ hay xả rác bừa bãi. Với những không gian là nơi sinh hoạt riêng hoặc nơi thờ cúng, du khách tuyệt đối không “vượt rào” nếu thấy có biển cấm.
Không tự ý xê dịch đồ đạc trong nhà hoặc sờ tay vào các món đồ cổ, vật dụng… nếu không được cho phép.
Khi vào tham quan nhà cổ, các bạn nhớ xin phép chủ nhà, chào hỏi những người trong gia đình một cách lịch sự.
Đi xe đạp, xích lô hay dạo bộ sẽ là lựa chọn hợp lý nhất khi bạn tham quan Hội An nói chung và các ngôi nhà cổ nói riêng. Nên chú ý khóa xe, giữ xe cẩn thận khi dừng chân tại các địa điểm.
Không chỉ đơn thuần là điểm tham quan, check-in, nhà cổ Đức An còn là điểm đến giúp bạn khám phá giá trị lịch sử, văn hóa xưa – nay của Hội An. Sau bài review siêu chi tiết này, còn chần chừ gì nữa mà không “lên đồ” để tận mắt chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ đã ở đó gần 200 năm đợi bạn khám phá!?
XEM THÊM:
- Đình Cẩm Phô | Ngôi đình cổ nổi tiếng bậc nhất Hội An
- Du lịch Thánh Địa Mỹ Sơn 2023: Kinh Nghiệm & Giá Vé
- Top 6 Bảo Tàng Hội An | Nơi Minh Chứng Cho Lịch Sử, Văn Hóa Phố Cổ
Theo Ngân Hà – Sơn Trà Travel
Bài viết liên quan