Bánh căn Đà Lạt – “Linh hồn” của ẩm thực xứ sương mù

Thành phố ngàn hoa bấy lâu nay nổi tiếng bởi “cảnh đẹp ý vui”, không khí trong lành, mát mẻ. Không dừng lại ở đó, ẩm thực Đà Lạt cũng “không thể xem thường”. Trong đó phải kể đến món bánh căn Đà Lạt. Hãy cùng Sơn Trà Travel review những chiếc bánh căn dân dã, mang hương vị phố núi đặc trưng, thơm ngon đến lạ lùng.

Tìm hiểu đôi nét về món bánh căn Đà Lạt

Nguồn gốc món bánh căn ở Đà Lạt

Bánh căn là món ăn có nguồn gốc từ người Chăm. Dần dần, món bánh này du nhập vào Việt Nam. Cách chế biến, hương vị cũng được Việt hóa để hợp với khẩu vị người dân. Bánh căn trở thành món ăn quen thuộc của các địa phương vùng Nam Trung Bộ như: Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Sau đó, bánh căn “lấn sân” lên tận cao nguyên Lâm Đồng. Bánh căn làm “say lòng” cả người dân địa phương và du khách.

Bánh căn ngày nay trở thành món ăn mang quốc hồn, quốc tuý người Việt. Đây là món bánh vừa ngon, vừa lành mà bạn có thể thưởng thức vào bất kỳ lúc nào khi đi du lịch Đà Lạt.

Nguyên liệu chính làm nên bánh căn là bột gạo
Nguyên liệu chính làm nên bánh căn là bột gạo

Nguyên liệu chính làm nên bánh căn Đà Lạt là bột gạo. Bánh căn ăn kèm với “topping” rất dễ kiếm, thân quen. Đó là trứng gà, thịt lợn, tôm… cùng rau xanh và một số loại nước chấm đặc trưng. Ngoài ra, còn có vị chua ngọt của các loại rau thơm như xà lách, diếp cá, tía tô, húng, cải, cùng xoài băm, khế, tỏi ớt cay cay, mặn ngọt. Tất cả khiến món ăn này có hương vị âm dương tương xứng, hàn nhiệt điều hòa.

Tóm lại, bánh căn không chỉ là món ăn bình dân, quen thuộc với nhiều người mà còn chứa đựng tinh hoa ẩm thực Việt.

>> Tham khảo: Top 22 địa điểm săn mây Đà Lạt đẹp ngất ngây tựa thiên đường

Bánh căn ở Đà Lạt có gì khác so với các nơi khác?

Thoạt nhìn, nhiều người sẽ dễ nhầm lẫn bánh căn Đà Lạt với bánh khọt của người miền Trung và Nam Bộ. Bởi lẽ, chiếc bánh cũng tròn tròn và đều được làm từ bột gạo như nhau.

Tuy nhiên, bánh khọt có màu vàng đậm hơn, do trước khi đổ bánh, người ta thường thêm bột nghệ vào bột gạo. Bánh khọt được đúc bằng cách tráng lớp dầu vào khuôn bánh rồi chiên bánh lên. Nhân bánh có: Tôm thịt, hải sản, đậu xanh.

Bánh căn được làm chín bằng cách nướng trong khuôn
Bánh căn được làm chín bằng cách nướng trong khuôn

Còn bánh căn cũng được làm từ bột gạo, nhưng chỉ có màu trắng ngả vàng nhẹ. Bánh được nướng trong khuôn, hoàn toàn không chiên qua dầu. Nhờ vậy, vị bánh căn của xứ cao nguyên béo nhẹ và thơm, ăn không hề ngấy. Nhân bánh truyền thống thường có trứng, tôm, thịt. Tuy nhiên ngày nay, bánh căn ở Đà Lạt cũng được biến tấu và “bonus” thêm nhiều “topping” phong phú hơn.

Tham khảo ngay : 37 món đặc sản Đà Nẵng nổi tiếng mua về làm quà

Có gì “hot” khiến món bánh căn Đà Lạt trở nên hấp dẫn khó cưỡng?

Thành phố ngàn hoa có đặc trưng khí hậu mát mẻ quanh năm. Đặc biệt, về đêm và sáng sớm, Đà Lạt thường rất lạnh, bầu không khí được bao phủ bởi lớp sương mù.

Thời tiết lành lạnh rất lý tưởng để thưởng thức các món ăn ngon. Do đó với khách du lịch, hành trình vi vu Đà Lạt luôn có phần khám phá ẩm thực cực thú vị, hấp dẫn. Đến đây, bạn nhất định phải truy lùng cho được các địa chỉ ăn bánh căn ngon, chất lượng để không bỏ lỡ món ăn “đỉnh của chóp” này.

Bánh căn ngày nay được "biến tấu" với nhiều "topping" hấp dẫn
Bánh căn ngày nay được “biến tấu” với nhiều “topping” hấp dẫn

Thông thường, người Đà Lạt sẽ ăn bánh căn vào bữa sáng hoặc chiều tối. Chẳng biết bánh căn xuất hiện ở Đà Lạt, Lâm Đồng từ khi nào. Chỉ biết đến thành phố ngàn hoa, bánh căn được biến tấu, thêm nhiều “topping” để thêm hấp dẫn, nhiều màu sắc, hợp khẩu vị người dân.

Bánh căn Đà Lạt cũng được làm từ bột gạo, nhưng được pha chế theo công thức đặc biệt. Sau khi ngâm gạo trong nước, người ta đem xay mịn cùng với một ít cơm nguội khô. Gia giảm nước vừa phải để có hỗn hợp bột gạo sền sền. Sau đó, cho từng thìa bột vào khuôn đất đang nóng, nướng trực tiếp trên than hồng.

Thêm tôm, mực và trứng vào để làm nhân. Với bánh căn ở thành phố trong sương, bánh thường được ăn kèm khế chua, dưa leo, xoài chua. Nước chấm cũng phong phú hơn: Nước mắm tỏi ớt, mỡ hành; Nước chấm xíu mại hoặc nước sốt cá nục/cá ngừ kho.

Cách thưởng thức bánh căn Đà Lạt

Bánh căn ở Đà Lạt còn được du khách dí dỏm đặt tên là “bánh chờ”. Bởi lẽ, bánh không được đúc sẵn mà chỉ khi thực khách vào bàn “order”, chủ quán mới bắt đầu đúc bánh. Đây là nguyên tắc giúp giữ được bánh luôn nóng hổi, vừa thổi vừa ăn và giữ trọn hương vị đưa đến cho thực khách.

Chưa kể, giữa tiết trời lạnh giá, thưởng thức chiếc bánh nóng hổi, còn nghi ngút khói càng giúp hương vị bánh thêm cuốn hút. Chủ quán cứ đúc lần lượt từng mẻ bánh, dọn lên bàn cho khách. Bởi vậy, nếu quán đông khách, chắc chắn bạn phải ngồi chờ. Nhưng người dân nơi đây và du khách dường như đã quen với phong cách thưởng thức bánh căn Đà Lạt này.

Chờ đợi hơi lâu, nhưng bù lại, bạn sẽ được thưởng thức những chiếc bánh tròn vị, hoàn hảo nhất. Người làm bánh cũng hối hả, luôn tay đổ bột, nướng, gỡ bánh để kịp dọn lên cho khách.

Khánh "order" đến đâu, chủ quán sẽ đúc bánh đến đó
Khánh “order” đến đâu, chủ quán sẽ đúc bánh đến đó

Cách thưởng thức bánh căn đúng chuẩn là bạn hãy gắp một chiếc bánh tròn xoe, nhỏ xinh lên. Sau đó nhúng nguyên bánh trong bát nước chấm. Thêm chút rau thơm, đồ chua, khế, xoài… lên trên mặt bánh xâm xấp nước sốt.

Bạn sẽ không thể cảm nhận hết hương vị của món bánh căn, nếu không ăn kèm các loại rau thơm rau sống. Rau sống dùng với bánh căn thật là phong phú, kích thích vị giác.

Khi ăn bánh, hãy thưởng thức cùng lúc các “topping”. Điều này sẽ giúp bạn cảm nhận tổng hòa hương vị béo ngậy, mặn mặn, ngọt ngọt, chua cay nơi đầu lưỡi. Đặc biệt, bánh căn muốn ngon phải ăn ngay khi bánh còn nóng hổi.

>>> Gợi ý: Top 45+ điểm tham quan Đà Lạt đẹp siêu lòng nhất định phải ghé thăm

Review địa chỉ ăn bánh căn Đà Lạt ngon nhất

Ăn bánh căn ở Đà Lạt có những địa chỉ nào nổi tiếng nhất? Đây chắc chắn là câu hỏi mà các tín đồ xê dịch muốn biết nhất trước khi lên kế hoạch thực hiện “foodtour” tại xứ ngàn hoa. Sơn Trà Travel sẽ bật mí đến bạn top 7 quán bánh căn ở Đà Lạt “nổi như cồn” ngay dưới đây.

1. Bánh căn Lệ

  • Địa chỉ: Số 27/44 đường Yersin, thành phố Đà Lạt.
  • Thời gian mở cửa: Từ 7 giờ – 21 giờ.

Bánh căn Lệ vốn là quán nổi tiếng với cả người dân địa phương và du khách thập phương. Địa chỉ hơi khó tìm, nhưng thực khách vẫn kiên nhẫn tìm đến khiến quán luôn tấp nập khách. Và chỉ vậy thôi cũng đủ để biết được chất lượng món ăn ở đây rồi đúng không nào?

Bánh căn quán Lệ Đà Lạt
Bánh căn quán Lệ Đà Lạt

Bánh căn Đà Lạt ở quán Lệ luôn mang đến cho thực khách cảm giác mỹ mãn khi thưởng thức. Bánh có nhiều loại nhân như: Bánh căn bò, bánh căn nhân trứng cút, trứng gà hay bánh căn hải sản. Bánh khi dọn lên luôn nóng hổi, giòn rum rúm. Ăn kèm với nước chấm xíu mại được nấu theo công thức riêng, chiếc bánh càng dậy vị ngon.

Nằm khiêm tốn trong con hẻm nhỏ, quán cũng bán giá cực kỳ “khiêm tốn”, chỉ từ 20.000 – 30.000 đồng/phần. Ngoài ra, bạn còn có thể gọi thêm chả cây ăn kèm và sữa chua, bánh flan tráng miệng ngay tại đây.

2. Bánh căn Nhà Chung

  • Địa chỉ: Số 1 đường Nhà Chung, thành phố Đà Lạt.
  • Thời gian mở cửa: Từ 7 giờ – 22 giờ.

Người dân Đà Lạt thường ăn bánh căn vào bữa sáng, nhường chỗ cho khách du lịch thưởng thức món này vào thời điểm còn lại trong ngày. Và bánh căn Nhà Chung là địa chỉ ăn sáng quen thuộc với bao thế hệ người Đà Lạt.

Bánh căn Nhà Chung
Bánh căn Nhà Chung

Quán tọa lạc ngay ở trung tâm thành phố, nằm ở đầu đường nên rất dễ tìm. Đặc biệt, chiếc bánh căn Đà Lạt thơm giòn, ngon lịm tim còn nhờ vào nước chấm của quán được chế biến theo công thức đặc biệt. Đó là nước sốt làm từ xoài xanh, hành phi, mỡ hành cộng thêm chút đậu phộng.

3. Bánh căn xíu mại Cây Bơ

  • Địa chỉ: Số 56 đường Tăng Bạt Hổ, thành phố Đà Lạt.
  • Thời gian mở cửa: Từ 6 giờ – 12 giờ.

Quán Cây Bơ nằm trên tuyến phố ăn uống sầm uất của Đà Lạt – Đường Tăng Bạt Hổ. Đến đây, bạn sẽ được thưởng thức “nghìn lẻ một” đặc sản Đà Lạt. Trong đó có bánh căn quán Cây Bơ. Giá ở đây khoảng 30.000/phần, bao gồm 5 cặp bánh căn.

Quán cây bơ đã khá quen thuộc với người dân và du khách
Quán cây bơ đã khá quen thuộc với người dân và du khách

Nhân bánh tùy theo sở thích của bạn, có thể lựa chọn trứng, thịt hay nhân tôm. Bánh căn được ăn kèm chả cây, rau thơm, nước chấm ngập mỡ hành.

4. Bánh căn 07 Tăng Bạt Hổ

  • Địa chỉ: Số 7 đường Tăng Bạt Hổ, thành phố Đà Lạt.
  • Thời gian mở cửa: Từ 6 giờ 00 – 19 giờ 00.

Một “đối thủ đáng gờm” của quán Cây Bơ chính là quán bánh căn Đà Lạt ở số 7, cùng trên tuyến đường Tăng Bạt Hổ. Quán bánh căn này được đánh giá cao nhờ nhân bánh đa dạng, nước chấm cũng rất đậm vị.

Bánh căn xíu mại là sự kết hợp rất hoàn hảo
Bánh căn xíu mại là sự kết hợp rất hoàn hảo

Chưa hết, đến đây, bạn còn có cơ hội thưởng thức đặc sản bánh ướt lòng gà, cháo gà, sữa chua phomai cũng ngon không kém cạnh.

5. Bánh căn số 14 Tăng Bạt Hổ

  • Địa chỉ: Số 30 đường Tăng Bạt Hổ, thành phố Đà Lạt.
  • Thời gian phục vụ: Từ 12 giờ 00 – 22 giờ 00.
Bánh căn ngon nhất khi còn nóng hổi
Bánh căn ngon nhất khi còn nóng hổi

Một quán bánh căn ở đường Tăng Bạt Hổ cũng nổi tiếng và ngon không kém là quán 14 Tăng Bạt Hổ. Ngoài bánh căn, ở đây còn có món bánh flan phomai và sữa chua cũng rất đáng thử. Nếu có dịp du lịch đến thành phố mộng mơ, đừng bỏ qua địa chỉ này trong chuyến “foodtour” của mình nhé!

6. Bánh căn dốc Nhà Làng

  • Địa chỉ: Số 15A đường Nguyễn Biểu, thành phố Đà Lạt.
  • Thời gian mở cửa: Từ 7 giờ 00 – 10 giờ 00.

Quán chỉ bán phục vụ bữa sáng là chủ yếu. Đồ ăn ở đây có mức giá khá mềm, chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng cho một phần bánh căn đầy ú ụ. Đảm bảo bạn sẽ no đến trưa khi ăn sáng ở quán bánh căn Đà Lạt này.

Người Đà Lạt thường ăn bánh căn vào bữa sáng hơn cả
Người Đà Lạt thường ăn bánh căn vào bữa sáng hơn cả

7. Bánh căn A Cát

  • Địa chỉ: Số H55 đường Nguyễn Thị Nghĩa, thành phố Đà Lạt
  • Thời gian mở cửa: Từ 6 giờ 00 – 21 giờ 00.

Bánh căn A Cát (Khu Golf Valley) là một trong những địa chỉ mà nhiều du khách “bỏ túi” trước khi thực hiện hành trình khám phá ẩm thực phố núi.

Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc bánh nóng hổi, nhiều màu sắc cực thích mắt khi dọn lên bàn. Đó là màu đỏ của trứng lòng đào, màu hồng của tôm. Điểm xuyết thêm sắc xanh của các loại rau ăn kèm. Mỗi chiếc bánh nóng giòn, vị béo ngậy. Bánh khi ăn kèm nước chấm xíu mại đậm đà sẽ khiến bạn không thể cưỡng lại được.

Thực đơn của quán rất phong phú, nhiều sự lựa chọn cho thực khách
Thực đơn của quán rất phong phú, nhiều sự lựa chọn cho thực khách

Menu đa dạng cũng là một lợi thế giúp A Cát “ghi điểm” với thực khách. Bạn có thể gọi bánh căn trứng gà, bánh căn trứng cút – thịt bò, bánh căn hải sản. Hay có bánh căn trứng cút – hàu, bánh căn tôm thịt hay bánh căn thịt bò… cũng thơm ngon không kém.

Hấp dẫn là thế, do đó dẫu mức giá có nhỉnh hơn một chút – Từ 40.000 – 80.000 đồng/phần, nhưng đây vẫn là địa chỉ thưởng thức bánh căn được nhiều người yêu thích.

Hướng dẫn làm bánh căn Đà Lạt ngay tại nhà

Bánh căn ngon lành, hấp dẫn là thế, do đó, bạn không cần phải đợi đến khi đi Đà Lạt mới có thể thưởng thức. Dulichsontra.com sẽ chia sẻ cách làm món ăn này ngay tại nhà.

+ Nguyên liệu chính làm bánh căn

Nguyên liệu chính làm nên bánh căn là gạo. Để có được bột đúc bánh căn, đầu tiên phải ngâm gạo trong khoảng 6 tiếng cho hạt gạo nở mềm.

Sau đó, mang gạo đi xay nguyễn cùng ít cơm nguội khô nhằm tạo độ giòn cho bánh khi đổ. Khi pha bột, phải gia giảm để bột không được loãng quá, cũng không được đặc quá. Vì bột loãng sẽ cho ra lò những chiếc bánh nhão nhẹt. Ngược lại, bánh sẽ bị khê trước khi chín nếu bột quá đặc.

Khuôn đổ bánh căn chuẩn nhất phải là khuôn bằng đất nung
Khuôn đổ bánh căn chuẩn nhất phải là khuôn bằng đất nung

Khuôn đổ bánh căn Đà Lạt làm từ đất nung hoặc kim loại. Khuôn đúc bánh chuẩn nhất là loại khuôn gốm đất nung Bầu Trúc nổi tiếng người người Chăm. Khuôn đất nung giúp giữ được hương vị thơm ngon truyền thống của bánh căn.

Chuẩn bị nhân bánh: Nhân bánh truyền thống mộc mạc, chỉ bao gồm trứng gà, tôm, thịt heo. Về sau, để chiều lòng thực khách và khi đã cuộc sống trở nên khấm khá hơn, người ta bắt đầu nghĩ thêm nhiều “topping” phong phú như: Mực, hải sản, cá ngừ, trứng cút, thịt bò, thịt gà, nghêu hến, hàu phomai…

+ Cách chế biến

Đầu tiên, hãy đặt khuôn lên bếp, đậy kín đợi cho khuôn nóng lên. Khi khuôn “nóng bỏng tay”, từ từ dùng thìa đổ bột vào. Từng thìa bột gạo được đổ vào lòng khuôn có hình dáng tròn, hơi lõm nhẹ. Sau đó nhanh tay cho tiếp vào từng khuôn bột phần nhân là trứng đánh đều hoặc mực/tôm/thịt bò/hàu/phomai…

Đậy kín nắp, cho đến khi ngửi thấy mùi thơm từ bột cháy xem nghĩa là bánh đã chín. Dùng chiếc cạy bằng kim loại cạy bánh, sau đó thoa lên lớp mỡ hành.

Bánh căn được nướng chín chứ không dùng dầu chiên
Bánh căn được nướng chín chứ không dùng dầu chiên

Khi đổ bánh, phải canh lửa cẩn thận. Nếu để già quá lớn, bánh sẽ bị cháy. Ngược lại, lửa yếu quá sẽ khiến bánh chai. Và đặc biệt, làm bánh căn, nhất định phải làm trên bếp than hồng thì bánh mới có được vị ngon đặc trưng.

Bởi bếp than luôn có độ nóng vừa phải. Đổ bột vào khuôn đến đâu, nhanh tay cạy bánh đến đấy vì khuôn nóng nên bánh chín rất nhanh. Đặc biệt, bánh căn được nướng chín chứ không dùng dầu chiên. Do đó, bánh ra lò đạt chuẩn sẽ có lớp vỏ giòn tan, bên trong mềm, thơm và không hề ngấy dầu mỡ.

+ Công thức pha nước chấm cho bánh căn Đà Lạt

Linh hồn của bánh căn một phần nằm ở sốt chấm. Do đó, pha nước chấm cũng là một công đoạn quyết định sự thành bại của món ăn.

Các loại nước chấm thường ăn kèm bánh căn là: Nước cá kho, mắm nêm. Một số quán còn có thêm nước mắm, mắm đậu phộng, nước mắn tỏi ớt và xoài băm.

Linh hồn của bánh căn một phần nằm ở sốt chấm
Linh hồn của bánh căn một phần nằm ở sốt chấm

Mỗi loại nước chấm có một công thức và hương vị riêng. Bạn có thể thưởng thức bánh căn cùng tô nước mắm pha đậm đà. Hoặc muốn ngọt bùi, có hương vị khác biệt hơn, có thể chọn mắm nêm hay chan nước kho cá nục cùng khoanh cá béo ngậy tùy thích.

Với nước mắm tỏi ớt, hãy pha loãng nước mắm cùng một chút đường. Sau đó trộn thêm tỏi ớt, cà chua luộc chín giằm nhuyễn nhằm tạo nên hương vị chua cay, mặn ngọt cho sốt chấm.

Nếu có dịp đến thành phố mộng mơ mà không ăn thử bánh căn Đà Lạt thì quả là một thiếu sót. Bởi lẽ, đây là một trong những đặc sản, trở thành “món ăn linh hồn” của phố núi. Đọc xong bài review này, có lẽ bạn cũng đã hiểu được lý do vì sao món ăn dân dã, mộc mạc này luôn giữ được chỗ đứng trong lòng các tín đồ ẩm thực. Còn chần chừ gì nữa mà không lên kế hoạch đi du lịch Đà Lạt để thưởng thức món bánh căn đặc biệt này!

XEM THÊM:

Theo Ngân Hà – Dulichsontra.com

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *